DƯƠNG THU HƯỜNG – KIẾN TRÚC SƯ
Dễ nhận thấy hiện nay trẻ em trong đô thị đa phần chỉ sinh hoạt từ nhà đến trường, rồi từ trường đến… lớp học thêm là chính. Ngay tại các trung tâm sinh hoạt thiếu nhi bây giờ cũng toàn là lớp học và không gian công cộng cho thiếu nhi cơ bản chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn, chưa thực sự sạch sẽ và an toàn. Chúng ta luôn nói rằng trẻ em cần được tôn trọng, phát huy sáng tạo, nhưng khi kiến tạo, tổ chức không gian cho trẻ thì người lớn lại có khuynh hướng áp đặt ý kiến chủ quan của mình, dẫn đến thiếu vắng những chăm chút đúng mức cho không gian đặc thù này. Dưới góc độ thiết kế, tôi cho rằng việc tạo lập không gian đặc trưng cho trẻ trong nhà ở không hề khó, vấn đề nằm ở quan niệm về đầu tư và sử dụng sao cho phù hợp và hiệu quả. Đã có không ít gia đình sắm tủ trưng bày rượu hoành tráng nhưng lại không chăm chút góc chơi cho con, với những suy nghĩ rằng: “bày vẽ làm gì cầu kỳ, chơi vài bữa là chán, rồi nó sẽ lớn lên và bỏ hết mấy thứ này…”
.
Thực sự làm không gian chức năng cho trẻ không chỉ hoàn toàn theo kiểu “đầu tư cơ sở vật chất”, mà còn cần nhiều hơn thế, mang tính tương tác nhiều hơn việc đo đếm mét vuông hay trang trí màu sắc tươi vui. Nếu nhà có diện tích nhỏ, có thể sử dụng một phần của chính không gian chung tạo thành một góc cho riêng trẻ, như trong phòng khách hay phòng ngủ, dành một bề mặt tường kết hợp với thảm sàn êm ái là có thể giúp cho trẻ có chỗ vui chơi, sinh hoạt mà không nhất thiết phải làm cả một phòng riêng. Tất nhiên từ họa tiết, màu sắc, hình khối, cho đến việc lựa chọn phụ kiện, tranh ảnh, vật dụng đều cần qua tham khảo ý kiến của trẻ, để trẻ được bố trí không gian cho chính mình. Hoặc có thể dành một góc ở ban công, ở sân trong, nơi có chút cây cối nhằm gia tăng cho trẻ tình yêu thiên nhiên và một số kỹ năng tương tác với môi trường qua việc chọn cây trồng, chăm sóc cá cảnh… Thực tế tôi thấy không gian cho trẻ không hoàn toàn phải có nhiều đồ chơi hay tiện ích, mà quan trọng là giúp trẻ xác lập chỗ riêng trong ngôi nhà chung, cảm thấy được tôn trọng và được đưa ra ý kiến bản thân. Từ đó giúp trẻ hình thành tính tự chủ, biết yêu thương và có trách nhiệm với không gian sống (chăm sóc, dọn dẹp, làm mới…), tức là giúp trẻ hoàn thiện tính cách tốt hơn.
BÙI ANH PHONG – HỌA SĨ, THIẾT KẾ NỘI THẤT
Đã có quá nhiều so sánh giữa ta với tây về quan niệm giáo dục trẻ cũng như tạo dựng không gian riêng cho trẻ, trong đó phần “thắng” có vẻ đang nghiêng về phía “tây” với đủ các minh chứng rằng họ đã quan tâm chăm sóc cho trẻ em thế này, thế kia, kèm theo kiểu than thở quen thuộc: vì họ có điều kiện hơn ta! Tôi chỉ đồng ý một nửa với ý
kiến trên, đồng ý rằng do văn hóa thiên về tư duy phân tích khoa học, tôn trọng cá nhân, tự lập từ nhỏ của người Tây phương giúp họ hình thành và hoàn thiện sớm các tiêu chuẩn cũng như sáng tạo không gian cho trẻ em. Và những điều đó có được nhờ hệ thống giáo dục cũng như công nghệ sản xuất tiện nghi cho trẻ em của họ khá tốt.
Nhưng tôi không đồng ý với cách nghĩ rằng cứ phải đến khi giàu có thì mới chăm chút được phòng riêng (thậm chí cho cả người lớn chứ không chỉ phòng trẻ em). Thời nay khả năng tiêu dùng, mua sắm đã hơn rất nhiều thời trước, cơ cấu gia đình cũng ít tam tứ đại đồng đường, mỗi nhà chỉ có từ 1 – 2 con, không thể nói rằng thiếu điều kiện. Bản thân tôi đã từng làm chỗ chơi cho con mình khi ở nhà thuê, gác xép, chung cư nhỏ… và cũng từng làm nhiều không gian trẻ em cho những gia đình không dư dả tài chính, diện tích eo hẹp… nên rút ra rằng: chỉ cần có sự quan tâm đến trẻ em và hiểu tâm lý trẻ thì vẫn tạo được những góc riêng cho trẻ thú vị và đậm chất giáo dục hiện đại.
Không thể trang trí phòng của trẻ thích đàn hát tương tự như trẻ có năng khiếu hội họa. Cũng không thể chọn dễ dãi hình ảnh siêu mẫu, robot, nhân vật hoạt hình ở xứ đâu đâu đưa vào phòng con mình, khi đứa trẻ Việt ấy còn chưa phân biệt lá chuối khác với lá dừa thế nào. Một ngôn ngữ, bảng màu, kiểu cách mà trẻ thích sẽ rất quan trọng, nếu không nói là quyết định mọi giải pháp, bởi khi không thích màu ấy, kiểu ấy thì trẻ sẽ chán ghét, và mọi thông điệp đi kèm sẽ vô nghĩa. Hãy cứ làm thử để có thể sửa sai, có thể điều chỉnh theo thay đổi tâm sinh lý của trẻ, còn hơn không làm gì cả hay làm hời hợt. Tôi ví dụ một tấm bảng để trẻ viết vẽ, dán hình mình thích lên đó… đâu có khó, chỉ cần chọn mảng tường phù hợp, sao cho cả gia đình cùng chơi với trẻ. Hay những hang hốc ngóc ngách ngỡ như vô dụng với người lớn, lại là góc riêng thú vị đối với trẻ nếu ta biết sắp xếp thú vị, và dĩ nhiên phải an toàn, sạch sẽ.
TRƯƠNG HỒ NGỌC MINH – KINH DOANH ĐỒ NỘI THẤT
Có thể có rất nhiều quan niệm về cách bài trí, sắp xếp nội thất cho phòng của trẻ em tùy theo điều kiện cụ thể. Nhưng dù theo phong cách nào thì theo tôi, 2 yếu tố an toàn và sáng tạo luôn không thể thiếu được. Sự sáng tạo cũng nên hiểu là sáng tạo trong phạm vi an toàn cho trẻ, và sáng tạo phù hợp tâm sinh lý của trẻ, kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo ở trẻ. Mặt khác, việc chăm chút không gian sống cho trẻ là một cơ hội cho người lớn, cơ hội để mình được “xin một vé đi tuổi thơ”, để làm điều có ích cho con trẻ, và được lắng nghe phản hồi từ những “khách hàng phụ thuộc” (tài chính, kỹ thuật) nhỏ tuổi nhưng rất thẳng thắn và trong sáng. Nếu bạn làm không đúng
tâm lý, sở thích của trẻ, các khách hàng nhí này sẽ từ chối sử dụng ngay! Dưới góc độ kinh doanh, tôi cho rằng cần có những khảo sát, thống kê tâm lý tiêu dùng, nhóm sở thích của trẻ em (chủ yếu nơi đô thị) để có thể dự báo, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh… đồ nội thất và xu hướng thiết kế không gian cho phù hợp với trẻ.
Tôi từng chứng kiến nhiều gia đình đưa con cái đến trung tâm nội thất với sự phân vân khi phải lựa chọn đồ đạc, màu sắc, phong cách… giữa một “rừng” sản phẩm đa dạng, phong phú. Thói quen kiểu “đi chợ“ lúc nhà sắp xong này thực sự không ổn vì không gian ngôi nhà khi đó đã hầu như hoàn thiện, mua đồ kê vào rất khó và đòi hỏi gu thẩm mỹ cao mới có thể kiểm soát tốt mọi thứ. Đồ đạc cho phòng trẻ lại thường không có phong cách rõ ràng, chủ yếu là màu sắc và hình ảnh ngộ nghĩnh nên nhiều khi khó đạt được sự nhất quán với nội thất toàn nhà, cũng như thiếu thể hiện cá tính, gu thẩm mỹ của trẻ. Ta đừng nghĩ “con nít thì biết gì” để dễ dãi trong chọn lựa phong cách nội thất cho phòng trẻ, tôi từng gặp nhiều em tuổi teen thực sự rất có gu thẩm mỹ, không thích tông màu xanh xanh đỏ đỏ mà cứ bị cha mẹ ép xài đồ chung chung. Những vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục được khi nhà có thiết kế từ đầu, với sự phát triển công nghệ hiện nay và trẻ dễ dàng được tham dự vào quá trình ”duyệt” thiết kế trong bản vẽ 3D, tránh thay đổi và bị động về sau.
Aug 07, 2017
Căn hộ này là một trong những minh chứng cho việc bày trí nội thất giản đơn mà vẫn đẹp.
Aug 07, 2017
Nếu bạn đang cân nhắc mua một đài phun nước trong nhà, đây là danh sách những lợi ích tuyệt vời mà chúng mang lại cho bạn và ngôi nhà của bạn.
Aug 07, 2017
Cho dù bạn gọi nó là ghế đi văng, ghế sofa, ghế trường kỷ hoặc ghế tựa thì món đồ nội thất bạn mua cho phòng khách chính là một khoản đầu tư, cả về chi phí và thời gian sử dụng.
Aug 07, 2017
Mua đồ nội thất cũ sẽ giúp gia đình tiết kiệm nhiều chi phí tuy nhiên có những món đồ không bao giờ nên mua lại.